Hội thảo Đổi mới chức năng quản lý Kho bạc

Trong các ngày 11-12/03/2019, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước (KBNN) phối hợp với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Đổi mới chức năng quản lý Kho bạc. Tham dự hội thảo có các chuyên gia quốc tế đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB); các đại biểu đến từ một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Y tế... Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tổng giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo

Với mục tiêu đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, hội thảo Đổi mới chức năng quản lý Kho bạc được kỳ vọng giúp Việt Nam tiếp cận theo hướng cải cách và hiện đại hóa về công tác quản lý Kho bạc. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn khẳng định: Bước sang năm 2019, năm cuối của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 (Chiến lược). Vì vậy, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược thời gian qua là cần thiết, qua đó xác định rõ những nội dung đã làm được, những nội dung chưa đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, Chiến lược ngành Tài chính và đặc biệt là áp dụng những công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tổng Giám đốc đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia quốc tế để làm rõ các chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức KBNN trên thế giới, qua đó, giúp Bộ Tài chính, KBNN Việt Nam xây dựng mục tiêu, định hướng, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công nói chung và trong lĩnh vực hoạt động KBNN nói riêng cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, tình hình thực tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Các diễn giả và các đại biểu đã tập trung vào thảo luận, nghiên cứu, phân tích, đánh giá về cách thức tổ chức thực hiện các chức năng và mô hình tổ chức kho bạc trên thế giới; cải thiện hiệu lực, hiệu quả trong thực thi ngân sách, đặc biệt là việc nghiên cứu đổi mới chức năng quản lý kho bạc nhằm đề xuất mô hình kiểm soát cam kết chi theo thông lệ chung; hiện đại hóa công tác kế toán và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng kinh phí ngân sách các cấp; thực hiện quản lý ngân quỹ theo hướng chủ động, an toàn và hiệu quả... Từ đó, xác định những vấn đề trọng tâm cần đổi mới, giải quyết, các lĩnh vực cần ưu tiên cải cách trong quản lý tài chính - ngân sách nói chung và trong lĩnh vực hoạt động của KBNN Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.

​Ông Lưu Hoàng trình bày chuyên đề tại hội thảo  ​​

Đại diện cho KBNN, ông Lưu Hoàng – Vụ trưởng vụ Tổng hợp –Pháp chế KBNN đã trình bày chuyên đề “Quản lý kho bạc tại Việt Nam - cơ cấu tổ chức, các thành tự đã đạt được và những thách thức”. Trong đó đã tổng hợp lại những kết quả sau qua 12 năm triển khai Chiến lược KBNN được thể hiện ở các mặt như: kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; hiện đại hóa công nghệ thông tin. Với nhiệm vụ thu NSNN, kiểm soát chi NSNN, quản lý ngân quỹ và huy động vốn cho đầu tư phát triển, tổng kế toán nhà nước... KBNN đã có bước tiến quan trọng cả trong lĩnh vực quản lý thu, chi và huy động vốn. Về thu NSNN, KBNN đã kết nối, trao đổi dữ liệu thu NSNN điện tử giữa cơ quan Thuế/Hải quan - KBNN - Ngân hàng thương mại. Với mạng lưới tài khoản chuyên thu và các hình thức thanh toán điện tử trong thu NSNN không ngừng được mở rộng, nguồn thu NSNN được tập trung nhanh chóng, hiệu quả. Số thu NSNN không ngừng tăng qua các năm, đáp ứng kịp thời các khoản chi NSNN. Về chi NSNN, KBNN đã thực hiện cam kết chi, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và ngăn chặn hiệu quả nợ đọng trong thanh toán. Quy trình kiểm soát chi đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát hồ sơ chứng từ, từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước kiểm soát sau. Các khoản chi thường xuyên đã bước đầu kiểm soát chi rủi ro. Về huy động vốn cho NSNN, KBNN đã phát hành trái phiếu qua phương thức đấu thầu điện tử. Quy trình phát hành trái phiếu được cải tiến giúp rút ngắn thời gian phát hành. Kỳ hạn bình quân của trái phiếu đã được kéo dài, lãi suất bám sát diễn biến của thị trường và giảm dần qua các năm, từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn...

Bên cạnh những thành công đạt được sau 12 năm triển khai Chiến lược, KBNN vẫn còn những thách thức cần phải tiếp tục giải quyết như: Hệ thống thông tin rời rạc, chưa có sự liên kết, chia sẻ với tất cả các khoản thu; cơ chế kiểm soát cam kết chi chưa theo thông lệ; chưa thực hiện được kiểm soát chi điện tử; chưa ban hành chuẩn mực kế toán công...

​Chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế trình bày tham luận

Hội thảo cũng đã nghe và thảo luận sôi nổi kinh nghiệm đổi mới chức năng kho bạc quốc tế qua phần tham luận của các chuyên gia IMF và WB như: Các thức tổ chức các chức năng kho bạc (Sandeep Saxena và Mark Silins); Cải thiện tính hiệu quả, hiệu lực trong thực thi ngân sách (Mark Silins và Wayne Barlett); Phát triển công tác kế toán và báo cáo của Chính phủ (Gouhua Huang); Hướng tới quản lý ngân quỹ theo cách thức chủ động hơn (Mike Wiliams); Hỗ trợ kho bạc với hệ thống công nghệ thông tin – xu hướng, vấn đề và cách thức (Cem Dener).

​Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Trong phiên bế mạc Hội thảo, Ông Sandeep Saxena, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Vụ các vấn đề tài khóa IMF trong bài phát biểu của mình đã khẳng định: KBNN Việt Nam đang chuyển đổi từ hệ thống để ghi chép sổ sách sang các hoạt động khác mang tính phân tích nhiều hơn. IMF tin tưởng rằng KBNN có nhiều tiềm năng để tiếp tục tăng cường vai trò, chức năng kho bạc cũng như quản lý thông tin không những cung cấp các dịch vụ giao dịch mà còn cung cấp công cụ khai thác thông tin cho nhiều  đơn vị sử dụng. KBNN Việt Nam nên nỗ lực tận dụng khả năng hiện nay của TABMIS bằng cách công khai, công bố nhiều hơn các thông tin tài khóa kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan điều hành ngân sách.

Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Huệ phát biểu bế mạc Hội thảo​​

Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Huệ đã thay mặt Kho bạc Nhà nước, gửi lời cảm ơn chân thành tới IMF và WB về sự ủng hộ quý báu và phối hợp hiệu quả trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội thảo. Đồng thời cũng khẳng định những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế và những ý kiến đóng góp của các đại biểu là cơ sở quan trọng, giúp cho Bộ Tài chính, KBNN củng cố và khẳng định rõ vị trí, vai trò của KBNN; xác định cụ thể các mục tiêu, yêu cầu, định hướng phát triển phù hợp với thông lệ chung về cải cách quản lý tài chính công và bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn 2021 – 2030.

Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
40 người đang online